Vitamin A và vai trò quan trọng đối với thị lực
Thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng lớn đến thị lực. Cần chăm sóc và bổ sung vitamin A đúng cách giúp mắt sáng khỏe mỗi ngày. Vitamin A là loại vitamin tan trong dầu mỡ có tác dụng tăng cường miễn dịch, làm tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, tham gia vào chức năng phát triển và biệt hóa tế bào.
Đặc biệt, vitamin A có vai trò rất quan trọng tham gia vào chức năng thị giác của mắt, chống bị quáng gà do khô mắt từ đó tránh dẫn đến khô kết mạc, loét giác mạc là một trong những nguyên nhân có thể gây mù lòa. Nhu cầu vitamin A cần được đảm bảo đầy đủ, tuy nhiên nếu thiếu hoặc thừa vitamin A đều gây ra những hệ lụy không tốt.
Vai trò của vitamin A đối với mắt
Vitamin A tạo ra những sắc tố trong võng mạc của mắt và chúng thúc đẩy tầm nhìn của chúng ta tốt trong ánh sáng yếu. Nó cũng giúp bảo vệ và duy trì giác mạc (một lớp ngoài cùng của mắt) và kết mạc (một màng mỏng bao phủ bề mặt mắt và bên trong mí mắt của bạn).
Chính vì vậy, việc bổ sung Vitamin A đầy đủ đối với cơ thể của bạn sẽ giúp chống lại một số căn bệnh về mắt chẳng hạn như thoái hóa điểm vàng và sức khỏe mắt liên quan đến vấn đề tuổi tác. Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng việc bổ sung lượng Vitamin A khiến tăng nồng độ của các tiền chất của Vitamin A trong máu cao hơn bình thường có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng của bạn lên đến 25%.
Thiếu vitamin A ảnh hưởng như thế nào đến mắt
Gây bệnh khô mắt trong đó có vệt Bitot, khô giác mạc, nhuyễn giác mạc dẫn đến sẹo giác mạc gây mù vĩnh viễn. Làm thoái hóa, sừng hóa các tế bào biểu mô giảm chức năng bảo vệ cơ thể. Làm giảm khả năng đề kháng với bệnh tật nên tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Làm trẻ chậm lớn, nếu thiếu vitamin A sớm có thể còn ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ khi đến tuổi đi học.
Hậu quả của thừa vitamin A
Thừa vitamin A cũng gây ngộ độc nên không thể sử dụng tùy tiện. Vitamin A tan trong chất béo và có thể được tích lũy trong cơ thể.
Nếu tiêu thụ một lượng lớn vitamin A kéo dài hàng ngày sẽ dẫn đến các triệu chứng ngộ độc gan, đau khớp, đau đầu, biến đổi xương, nôn, da khô dễ bong vẩy hay gây thóp phồng ở trẻ em.
Tuy nhiên, các biểu hiện này ít xảy ra do tiêu thụ vitamin A và betacaroten (tiền vitamin A) từ khẩu phần ăn trừ khi dùng quá nhiều betacaroten với thời gian dài sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa betacaroten trong cơ thể và da trở nên vàng có tên là Xantoza. Nhưng hiện tượng này sẽ mất đi khi ngừng sử dụng thực phẩm giàu chất này.
Khuyến nghị mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phụ nữ thời kỳ mang thai không nên sử dụng vitamin A vượt quá 3.000mcg hàng ngày (tương đương 10.000 đơn vị quốc tế – IU) hoặc không nên vượt quá 7.500mcg (25.000IU) hàng tuần vì sử dụng thừa vitamin có thể gây quái thai.
Khuyết tật trẻ sơ sinh hay gặp do mẹ sử dụng quá mức vitamin A gồm các dị dạng ở mặt và đầu như sứt môi – hở hàm ếch, bệnh ở hệ tim mạch, bộ phận sinh dục, thần kinh trung ương, hệ xương và cơ. Một liều đơn khoảng 150.000mcg (500.000IU) vitamin A có thể gây độc cho phụ nữ có thai. Do đó, phụ nữ có thai phải sử dụng đúng liều lượng vitamin A.
Vì vậy, cần chú ý đến giới hạn tiêu thụ vitamin là mức tiêu thụ vitamin A cao nhất trong thời gian dài mà không gây ảnh hưởng phụ tới sức khỏe. Nên sử dụng lượng vitamin A có trong khẩu phần ăn sẽ tốt hơn vì chúng ít gây các ảnh hưởng phụ.
Phòng ngừa hiệu quả việc thiếu vitamin A
Bảo đảm ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là bổ sung những loại thức ăn giàu vitamin A như gan, trứng, sữa, dầu cá, đu đủ, xoài chín, gấc, cà rốt, khoai lang, các loại rau xanh đậm màu.
Thời kỳ mang thai và cho con bú bà mẹ cần ăn đủ chất, chú ý thức ăn giàu vitamin A, giàu chất caroten, nhiều đạm, dầu mỡ. Cho trẻ bú mẹ đủ thời gian và chú ý tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ, nhất là bệnh sởi.
Bảo đảm nuôi dưỡng trẻ từ khi ăn bổ sung, bữa ăn cần có đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin A. Cần sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau cho phong phú và đa dạng, chế biến hấp dẫn và hợp khẩu vị sẽ góp phần làm tăng hấp thu.
Ưu tiên các loại thực phẩm giàu vitamin A và caroten. Bữa ăn cần cân đối và có đủ chất đạm, dầu mỡ giúp tăng hấp thu và chuyển hóa vitamin A.