TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ, RƯỢU BIA ĐẾN MẮT
Hút thuốc lá và uống rượu là thói quen đã tồn tại lâu đời ở nhiều nơi trên thế giới, thậm chí còn được coi là phương tiện giao tiếp xã hội trong một số nước đang phát triển như Việt Nam. Vào những năm gần đây, mức độ gây hại của thuốc lá và rượu lên cơ thể người được các tổ chức y tế chỉ ra một cách rõ ràng và công bố rộng rãi khiến phần nào thay đổi nhận thức về thói quen này. Thật vậy, nói đến thuốc lá người ta sẽ hình dung ngay đến nguy cơ ưng thư gan, phổi, các bệnh lý về răng miệng cũng như nhắc đến rượu là gợi lên những rủi ro về bệnh tim mạch, suy gan thận và suy giảm thần kinh…
Tuy nhiên, điều đáng nói là các tác hại đối với mắt còn ít người biết đến hoặc còn chủ quan không đề phòng. Sau đây, chúng tôi xin đề cập tới những ảnh hưởng xấu của việc hút thuốc lá và uống rượu gây ra cho mắt để người bệnh có thể lường trước và điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý.
Tác hại của thuốc lá lên mắt
Thuốc lá nói chung (bao gồm cả thiếu điếu, thuốc tẩu, thuốc lào hay xì gà) có chứa đến khoảng 4000 hoạt chất cực độc khác nhau như hắc ín, hợp chất của formaldehyde, carbon monoxide và nhiều kim loại nặng… Các chuyên gia khăng định rằng thuốc lá có liên quan trực tiếp đến 2 bệnh lý gây mù lòa hàng đầu là đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra, một số bệnh lý mắt khác cũng có thể khởi phát hoặc bị tăng mực độ nghiêm trọng do sử dụng thuốc lá như khô mắt, viễm kết mạc và viêm mi mắt mãn tính, bệnh võng mạc tiểu đường sẵn có, viêm màng bồ đào sẵn có, các biến chứng của bệnh basedow…
- Đối với đục thủy tinh thể: Hút thuốc lá làm giảm nồng độ oxy trong thủy tinh thể khiến nó dần dần mất đi độ trong suốt tự nhiên và chuyển thành đục mờ. Hơn nữa, kim loại nặng có độc tính cao là cadmium trong thuốc và khói thuốc có xu hướng tích tụ trong nhân thủy tinh thể góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hình thành bệnh. Theo thống kê, so với người không hút thuốc, nguy cơ mắc đục thủy tinh thể cao gấp đôi ở người hút thuốc và gấp 3 lần ở người nghiện thuốc lá nặng.
- Đối với thoái hóa hoàng điểm: Các độc tố trong thuốc lá làm giảm lượng máu đến các mô võng mạc, tạo điều kiện gây thoái hóa hoàng điểm dạng ướt. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn từ 2-4 lần so với người không hút thuốc.
- Đối với các bệnh lý khác: Khói thuốc lá có tính chất khô nóng và chứa độc tố gây kích thích làm viêm kết mạc, viêm bờ mi hoặc tăng bay hơi nước mắt dẫn đến khô mắt nếu tiếp xúc thường xuyên. Do làm giảm lượng máu đến các mô thần kinh, hút thuốc khiến thiếu máu thị thần kinh và tăng mức độ nguy hiểm của bệnh võng mạc tiểu đường vốn có trên người bệnh. Các bác sỹ chuyên khoa cũng nhận thấy rằng bệnh nhân viêm màng bồ đào hoặc biến chứng tại mắt do basedow có xu hướng bệnh nặng hơn hoặc có số lần tái phát nhiều hơn nếu duy trì việc hút thuốc. Bà mẹ mang thai nếu hút thuốc hoặc tiếp xúc nhiều với khói thuốc sẽ góp phần tăng tỷ lệ trẻ mắc bệnh ROP – bệnh võng mạc trẻ đẻ non.
Tác hại của rượu lên mắt
Nhiễm độc thị thần kinh (khu vực thần kinh thị giác) là hệ quả phổ biến nhất ở những người uống nhiều rượu, uống đều đặn trong thời gian dài hoặc uống phải rượu kém chất lượng. Mức độ nhiễm độc xảy ra khác nhau ở mỗi người, tuy nhiên triệu chứng chứng ban đầu thường là thị lực giảm từ từ không rõ rệt, người bệnh không đau nhức, trường nhìn bị thu hẹp, sắc giác rối loạn khiến phân biệt màu kém. Ngộ độc cấp tính có thể dẫn đến mù lòa.
Khi một người uống quá nhiều rượu, việc chuyển hóa và bài tiết trở nên quá tải, lượng cồn ở máu cao trong thời gian dài liên tục sẽ gây ngộ độc và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể trong đó có mắt. Các chuyên gia cho rằng, phơi nhiễm rượu mãn tính gây ra sự thiếu hụt vitamin nhóm B trong đó vitamin B1 giúp nuôi dưỡng hệ thần kinh, vitamin B2 giúp duy trì khả năng thị giác, vitamin B6 giúp cơ thể kháng khuẩn, vitamin B9 hay còn gọi là acid folic kích thích sản sinh tế bào hồng cầu và giảm dị tật thai nhi, vitamin B12 giúp tạo lập tế bào máu tránh thiếu máu lên hệ thần kinh bao gồm thần kinh thị giác.
Nguy hiểm hơn, đối với những trường hợp uống rượu giả, rượu kém chất lượng có chứa methanol – một hoạt chất có trong các dung dịch tẩy rửa và nhiên liệu công nghiệp, có thể gây ngộ độc cấp tính. Methanol làm tăng đột biến lượng acid formic trong máu, tác động lên hệ thần kinh gây đau đầu, buồn nôn, đau bụng. Khi thị thần kinh nhiễm độc acid formic, người bệnh nhìn thấy chớp sáng, ám điểm nhấp nháy trên trường nhìn, thị lực giảm sút nghiêm trọng, gai thị – nơi dây thần kinh thị đi vào nhãn cầu phù nề và dần chuyển sang trạng thái teo, đồng tử mất phản xạ. Các điều trị dành cho trường hợp ngộ độc cấp tính sẽ cần ưu tiên việc cứu lấy sinh mạng trong khi những biến chứng về mắt vẫn tiếp diễn và không thể xử lý kịp thời.
Có thể nhận thấy các tác hại mà thuốc lá và rượu đem lại cho đôi mắt không hề tầm thường. Tuy vậy, nhiều người vẫn còn chủ quan khi các biểu hiện bệnh lý còn chưa rõ rệt. Việc hạn chế và loại bỏ những thói quen xấu như hút thuốc và lạm dụng rượu sẽ giúp bảo vệ sức khỏe nói chung và đôi mắt nói riêng.