Những thông tin cần biết trước và sau khi mổ cườm mắt
Cườm mắt là tên gọi chung của hai bệnh lý phổ biến ở mắt là tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể. Trên thế giới và Việt Nam, bệnh cườm mắt là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng mù lòa, suy giảm thị lực. Hiện nay, mổ cườm mắt là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Bài viết dưới đây cung cấp đến bạn đọc thông tin về mổ cườm mắt để có sự chuẩn bị tốt nhất cho trước và sau quá trình phẫu thuật.
Cườm mắt là gì?
Cườm mắt là tình trạng thủy tinh thể bị đục do cấu trúc protein bị rối loạn và sự gia tăng các gốc tự do khiến thủy tinh thể bị thay đổi tính trong suốt và đồng nhất.
Thủy tinh thể có chức năng như một thấu kính hội tụ, tiếp nhận hình ảnh để con người nhìn, quan sát được. Như vậy, khi thủy tinh thể bị mờ đục sẽ không còn khả năng tiếp nhận hình ảnh, ánh sáng. Điều này khiến thị lực suy giảm, người bệnh có thể bị mù hoàn toàn nếu bệnh tiến triển nặng.
Đối tượng chỉ định mổ cườm mắt
Thủy tinh thể đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình mắt điều tiết ánh sáng, hình ảnh. Vì thế, thủy tinh thể bị đục khiến mắt không còn khả năng quan sát gây nên những cản trở trong làm việc, sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh được chỉ định mổ cườm mắt trong những trường hợp sau:
- Bệnh cườm mắt trong giai đoạn nặng, thủy tinh thể bị đục ở một hoặc cả hai mắt;
- Người bệnh bị đục thủy tinh thể và có chỉ định mổ;
- Bác sĩ chỉ định mổ để kiểm soát sự tiến triển của các tình trạng sau: thoái hóa điểm vàng, bệnh võng mạc do bệnh nền tiểu đường gây nên.
Tùy thuộc vào sức khỏe người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp, liệu trình điều trị thích hợp.
Mổ cườm mắt có nguy hiểm không?
Với sự phát triển của y học kĩ thuật phát triển tiên tiến hiện đại, mổ cườm mắt được coi là phương pháp an toàn, hữu hiệu nhất với người bệnh. Tỷ lệ thành công sau khi mổ cao từ 97-99%, bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau khi mổ. Ngoài ra, tại Việt Nam có nhiều bệnh viện, cơ sở chuyên về mắt, bệnh nhân và người nhà được tìm hiểu, tham khảo, lựa chọn, từ đó người bệnh hoàn toàn yên tâm khi quyết định tiến hành mổ cườm mắt.
Phương pháp mổ cườm mắt
Bệnh cườm mắt được chia thành cườm khô và cườm nước, vì thế mổ cườm mắt sẽ phụ thuộc vào tình trạng người bệnh đang gặp phải.
Mổ cườm khô có 3 phương pháp sau:
- Mổ Phaco là phương pháp an toàn và hiện đại nhất, cách thức thực hiện là loại bỏ thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính có chức năng tương tự thủy tinh thể. Phương pháp sử dụng sóng siêu âm để phá vỡ thủy tinh thể bị đục thành nhiều mảnh rồi hút qua một vết rạch nhỏ ở góc giác mạc. Phẫu thuật Phaco diễn ra nhanh chóng, không gây đau đớn, thị lực người bệnh được lấy lại sau phẫu thuật.
- Mổ cườm mắt ngoài bao: bác sĩ sẽ tạo một vết rạch lớn ở góc giác mạc rồi lấy đi phần thuỷ tinh thể bị đục. Đầu tiên, để không tạo cảm giác đau người bệnh được gây mê ở mắt. Sau khi loại bỏ thuỷ tinh thể bị đục, bác sĩ sẽ tiến hành thay thủy tinh thể mới và khâu lại vết rạch bằng một loại chỉ mảnh, không thể nhìn thấy được.
- Phương pháp phẫu thuật sử dụng tia laser: bác sĩ phẫu thuật bằng tia laser thay do dao mổ. Ngoài việc tạo vết rạch nhỏ ở giác mạc, tia laser còn làm mềm thủy tinh thể đục, từ đó bác sĩ hút các mảnh thủy tinh thể này ra dễ dàng hơn.
Mổ cườm nước gồm các phương pháp sau:
- Để điều trị bệnh tăng nhãn áp góc mở, phương pháp được sử dụng là Laser tạo hình bè. Cơ chế của phương pháp này là dùng tia laser tác động vào vùng cơ bè để mở ra những vùng làm dịch ở mắt tắc nghẽn.
- Phương pháp phẫu thuật mở góc (goniotomy): kỹ thuật này được áp dụng khi người bệnh điều trị không hiệu quả với thuốc hay laser tạo hình bè. Bác sĩ sẽ tiến hành tạo một đường vào góc mắt tạo kênh thoát thủy dịch để thủy dịch thoát ra ngoài nhanh hơn. Ngoài ra, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị tăng nhãn áp cũng được chỉ định mổ bằng phương pháp này.
- Phương pháp ghép ống dẫn lưu (stent): ống dẫn lưu là thiết bị rất nhỏ được ghép vào trong mắt để tạo kênh thoát thuỷ dịch thay thế kênh đã bị tắc, nghẽn.
Những lưu ý trước khi mổ
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cần lưu ý những điều sau để ca mổ diễn ra thành công nhất:
Trước hết, bệnh nhân cần khám sức khỏe tổng thể để lựa chọn thủy tinh thể phù hợp. Người bệnh nên ngừng sử dụng kính áp tròng và dừng điều trị các bệnh lý khác nhằm hạn chế nguy cơ chảy máu khi phẫu thuật.
Bệnh nhân vệ sinh mắt bằng nước sạch, tránh dụi mắt, điều này sẽ khiến mắt tổn thương nặng hơn thậm chỉ các tác nhân từ môi trường sẽ gây nhiễm trùng mắt. Người bệnh sử dụng thuốc nhỏ mắt trước khi phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ.
Bạn nên chuẩn bị tinh thần thoải mái, sinh hoạt khoa học và hạn chế thức khuya.
Chăm sóc và phục hồi sau phẫu thuật
Sau khi mổ, mắt còn yếu và chưa thích ứng được với ánh sáng, môi trường. Vì thế, để mắt được phục hồi nhanh chóng, người bệnh cần chú ý những điều sau:
- Sử dụng kính bảo vệ mắt khỏi bụi, ánh nắng và các yếu tố gây hại cho đôi mắt;
- Do mắt còn yếu, thị lực chưa được phục hồi hoàn toàn nên người bệnh không nên tham gia giao thông ít nhất sau 1 tuần phẫu thuật;
- Để tránh tạo áp lực lên mắt, khi ngủ bệnh nhân không nên nằm sấp, nằm nghiêng;
- Vệ sinh mắt, sử dụng thuốc nhỏ mắt đều đặn theo sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ;
- Tránh sử dụng mỹ phẩm và trang điểm sau 2 tuần phẫu thuật;
- Người bệnh nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất có lợi, hỗ trợ cho sự hồi phục của đôi mắt như: rau xanh, củ, quả chứa nhiều vitamin A, vitamin C, các loại hạt ngũ cốc chứa nhiều vitamin E ngăn ngừa quá trình oxy hóa cho mắt, axit béo omega 3 có trong cá ngừ làm giảm tình trạng khô mắt, ngăn ngừa bệnh tăng nhãn áp;
- Bên cạnh đó, để tránh những biến chứng không mong muốn sau phẫu thuật, bệnh nhân nên hạn chế sử dụng một số thực phẩm sau: thức ăn chứa hàm lượng đường cao, đồ ăn cay nóng nhiều dầu mỡ và các chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá,…
- Người nhà bệnh nhân tuân theo lịch hẹn tái khám của bác sĩ trong vòng 6 tháng, đồng thời theo dõi bệnh nhân để phát hiện các triệu chứng bất thường xảy đến.
>>> Tham khảo thêm: Mổ mắt kiêng ăn gì và nên ăn gì?
Một số câu hỏi về mổ cườm mắt
Chi phí mổ cườm mắt là bao nhiêu?
Hiện nay, các phương pháp phẫu thuật cườm mắt ngày càng đa dạng, hiện đại. Tùy thuộc vào tình trạng mắt của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp với sức khỏe đôi mắt và với tài chính của người bệnh. Chi phí mổ cườm mắt có mức giá dao động từ 10 – 60 triệu đồng.
Mổ cườm mắt bao lâu thì khỏi?
Thời gian phục hồi hoàn toàn sau khi mổ khoảng 8-9 tuần. Tuy nhiên, thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi người. Trong thời gian này, bạn cần tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ để mắt được hồi phục nhanh chóng nhất.
Mổ cườm mắt xong có bị tái phát bệnh không?
Thông thường, mắt sau khi phẫu thuật loại bỏ thủy tinh thể bị đục hay điều trị bệnh tăng nhãn áp sẽ ổn định suốt đời. Tuy vậy, có một số trường hợp bị tái bệnh sau khi mổ. Để tránh bị tái phát bệnh sau khi mổ, người bệnh cần chăm sóc mắt theo hướng dẫn của bác sĩ và chú ý sinh hoạt điều độ, khoa học, hạn chế tình trạng căng thẳng, áp lực khi làm việc.
Như vậy, mổ cườm mắt là phương pháp an toàn, hiện đại nhất để điều trị tình trạng mắt bị đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Hi vọng bài viết cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích, từ đó có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho ca mổ để có được kết quả tốt, lấy lại thị lực sau khi mổ.