Chắp mắt là gì? Cách chữa chắp mắt tại nhà hiệu quả
Chắp mắt là một trong những bệnh viêm nhiễm vùng da mí mắt. Nhiều người thường nhầm lẫn hiện tượng này với tình trạng lẹo mắt. Vậy dấu hiệu nhận biết chắp mắt như nào? Cách điều trị và phòng ngừa bệnh này? Hãy cùng Phục Nhãn Quang tìm hiểu chi tiết về tình trạng này trong bài viết dưới đây!
Chắp mắt là gì?
Chắp mắt là hiện tượng mí mắt xuất hiện nốt sưng đỏ do tuyến dầu ở mắt bị tắc nghẽn. Những nốt này có thể ở mí trên hoặc mí dưới nhưng thường xuất hiện ở mí mắt trên nhiều hơn. Chắp mắt thường không gây đau đớn nhưng gây cộm, làm sụp mí mắt trong thời kỳ viêm nhiễm.
Chắp mắt có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Trong đó nhóm tuổi 30 – 50 là đối tượng mắc bệnh nhiều nhất. Chắp thường không quá nguy hiểm và tự khỏi sau 5 – 7 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu tình trạng này gây ra các triệu chứng đau nhức, ảnh hưởng tới tầm nhìn và tái phát từ 2 lần trở lên thì bạn cần đi thăm khám sớm.
Phân biệt chắp mắt và lẹo mắt
Chắp mắt và lẹo mắt đều xuất hiện nốt sưng đỏ ở mí mắt nhưng thực tế hai hiện tượng này hoàn toàn khác nhau. Lẹo mắt xảy ra khi tuyến dầu ở mắt bị nhiễm trùng, nốt sưng giống như nốt nhọt và khi sờ vào thấy cứng. Còn chắp hình thành do sự bít tắc của tuyến nhầy mi mắt.
Chắp mắt và lẹo mắt khá tương đồng về hình thái và dấu hiệu nhận biết. Cả hai hiện tượng này đều khiến mắt người bệnh sưng, cộm và đau nhức. Tuy nhiên chắp chỉ nằm tại đĩa sụn của mi mắt dưới, cách xa bờ mi, còn lẹo nằm tại đĩa sụn hoặc ngay bờ mi mắt.
Nốt lẹo có thể vỡ mủ còn chắp thì không. Sau khi sưng hết mức, chắp chỉ hình thành u tròn, không đau.
>>> Tham khảo thêm về triệu chứng lẹo mắt tại đây: Tìm hiểu về lẹo mắt – Triệu chứng và cách phòng ngừa
Nguyên nhân gây chắp mắt
Nguyên nhân chủ yếu gây chắp mắt là do sự tắc nghẽn của tuyến meibomian của mí mắt. Đây là tuyến nhỏ nằm dọc theo mép mí mắt tạo ra dầu giúp bôi trơn bề mặt mắt. Khi một trong những tuyến này bị tắc nghẽn, dầu sẽ chảy ngược vào trong tạo thành nốt sưng vùng mí mắt. Khi chất nhờn tiết ra dồn đến các tế bào viêm nhiễm tổn thương gây kích ứng vùng da mí mắt khiến vùng quanh mắt sưng tấy, đôi khi đau đớn.
Viêm bờ mi lâu ngày cũng là một trong những nguyên nhân gây chắp mắt và khiến hiện tượng này dễ tái phát nhiều lần. Khi người bệnh không vệ sinh mắt đúng cách thì tình trạng bệnh có thể nghiêm trọng hơn.
Trường hợp gặp vấn đề về nội tiết cũng có thể là nguyên nhân làm tăng tiết nhờn vùng mí mắt và dễ xảy ra tắc nghẽn gây ra bệnh chắp mắt.
Dấu hiệu và triệu chứng chắp mắt
Chắp mắt thường xuất hiện dưới dạng nốt sưng tấy ở mí mắt. Hiện tượng này có thể xảy ra ở cả mí trên, mí dưới hoặc cả hai mắt cùng một lúc. Tùy vào kích thước nốt chắp, nó có thể làm mờ hoặc ảnh hưởng tới tầm nhìn hoặc không.
Thông thường, chắp mắt không kèm theo các yếu tố nhiễm trùng. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có những trường hợp xuất hiện tình trạng đỏ, sưng tấy hoặc đau nhức.
Cách điều trị chắp mắt
Thông thường, chắp mắt thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp chắp có thể kéo dài hàng tháng. Đối với trường hợp chắp gây sưng, đau nhức, ảnh hưởng tới tầm nhìn thì cần gặp bác sĩ khoa mắt để thăm khám và lên phác đồ điều trị phù hợp.
Với trường hợp chắp mắt không kèm theo các triệu chứng đặc biệt nào có thể thực hiện chăm sóc mắt tại nhà theo một số hướng dẫn sau:
- Đắp gạc ấm lên vùng mí mắt khoảng 10 – 15 phút để giảm tình trạng tắc nghẽn ở tuyến dầu. Thực hiện đắp gạc 4 – 6 lần/ngày để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
- Thực hiện massage nhẹ nhàng vùng mắt khoảng 2 – 3 phút mỗi ngày. Động tác này giúp tuyến dầu nhanh lưu thông trở lại và làm giảm nốt sưng.
- Vệ sinh vùng da mắt sạch sẽ, hạn chế đưa tay lên dụi mắt.
Khi đã áp dụng những cách trên trong vòng 1 tuần nhưng tình trạng chắp mắt vẫn không cải thiện, bạn nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để có biện pháp điều trị thích hợp. Tại đây, các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc mỡ chống viêm hoặc tiêm steroid vào nốt chắp nếu cần thiết. Một số trường hợp chắp nguyên nhân là do viêm nhiễm ở những vùng da quanh mí mắt, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng các loại kháng sinh đường uống.
Trường hợp chắp mắt nghiêm trọng gây sưng to, kéo dài và tái phát nhiều lần, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật dẫn lưu để điều trị bệnh triệt để.
Lưu ý: Tình trạng nốt sưng tấy quá lớn gây ảnh hưởng đến bề mặt giác mạc và tầm nhìn, người bệnh không nên tự ý nặn chắp mắt. Hành động này có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn và gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
Các biện pháp phòng ngừa chắp mắt
Chắp mắt không gây ảnh hưởng tới sức khỏe đôi mắt nhưng kiến người bệnh vô cùng khó chịu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Một số phương pháp phòng ngừa chắp hiệu quả bạn có thể áp dụng đó là:
- Vệ sinh vùng mí mắt nhẹ nhàng bằng khăn sạch hoặc thực hiện tẩy tế bào chết cho mắt khoảng 2 – 3 lần/tuần.
- Thực hiện chườm ấm mí mắt hàng ngày giúp làm giảm nguy cơ bị chắp mắt.
- Những người thường xuyên trang điểm cho mắt như kẻ mắt, chuốt mascara hoặc dùng phấn mắt cần lưu ý tẩy trang sạch bằng sản phẩm chuyên dùng sau khi trang điểm.
- Trường hợp hay bị viêm mí mắt nên bổ sung omega-3 hoặc dùng dầu hạt lanh.
- Trước khi đeo và tháo kính áp tròng nên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Không dùng chung khăn mặt với người bệnh.
Một số câu hỏi liên quan tới chắp mắt
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan tới tình trạng chắp mắt:
Bị chắp mắt khi nào cần gặp bác sĩ?
Mặc dù chắp có thể tự khỏi và không gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như lẹo mắt, người bệnh vẫn nên đến gặp bác sĩ nếu phát hiện bất cứ bất thường nào ở mí mắt. Trường hợp chắp làm gây cản trở thị lực hoặc làm mất thị lực, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp, tránh những biến chứng nguy hiểm không mong muốn.
Chắp mắt có lây không?
Chắp mắt không gây lây nhiễm, do vậy bạn không cần e ngại khi tiếp xúc, trò chuyện hoặc nhìn vào mắt người bệnh.
Chắp mắt có tự khỏi không?
Chắp mắt có tự khỏi không là thắc mắc phổ biến của những người đang mắc bệnh này. Đây là một căn bệnh không quá nguy hiểm, nếu không có biến chứng đặc biệt nào, chắp thường biến mất sau 2 tuần điều trị hoặc 4 tuần không điều trị.
Trên đây là thông tin quan trọng cần biết về hiện tượng chắp cũng như các biện pháp điều trị và phòng ngừa tình trạng này. Theo dõi website của Phục Nhãn Quang để cập nhật thêm nhiều kiến thức chăm sóc mắt nhé!